Site icon Luật Nhiệt Tâm | Luật sư kinh tế và Đại diện sở hữu trí tuệ

Cách lập bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích

Bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích (Bản mô tả) cần phải có các nội dung sau:

Tên sáng chế / giải pháp hữu ích;

Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập;

Tình trạng kỹ thuật của sáng chế / giải pháp hữu ích;

Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế / giải pháp hữu ích;

Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo,nếu có;

Ví dụ thực hiện sáng chế, Giải pháp hữu ích,nếu cần;

 

Yêu cầu bảo hộ sáng chế.

1. Tên sáng chế / giải pháp hữu ích:

Tên sáng chế / giải pháp hữu ích phải ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện vắn tắt dạng đối tượng, chức năng hoặc lĩnh vực kỹ thuật và bản chất của đối tượng đó và phải phù hợp với bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích như được thể hiện chi tiết ở phần “Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích” của Bản mô tả.

2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập

Phải chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật mà sáng chế/giải pháp hữu ích được sử dụng hoặc liên quan tới.

3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích

Phải nêu các thông tin về các giải pháp kỹ thuật đã biết tính đến ngày ưu tiên của Đơn tương tự (có cùng mục đích hoặc cùng giải quyết một vấn đề kỹ thuật) với sáng chế / giải pháp hữu ích nêu trong Đơn. Trên cơ sở các giải pháp đã biết đó, cần chỉ ra giải pháp có bản chất kỹ thuật gần giống nhất với sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn,mô tả tóm tắt bản chất giải pháp này và nêu các hạn chế, thiếu sót của giải pháp đó trong việc giải quyết vấn đề kỹ thuật hoặc đạt được mục đích mà sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn đề cập tới.
Nguồn của các thông tin nói trên phải được chỉ dẫn rõ ràng. Nếu không có thông tin về tình trạng kỹ thuật thì phải ghi rõ điều đó.

4. Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế / giải pháp hữu ích

Phần mô tả được mở đầu bằng đoạn trình bày mục đích mà sáng chế / giải pháp hữu ích cần đạt được hoặc vấn đề kỹ thuật mà sáng chế / giải pháp hữu ích cần phải giải quyết nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót của giải pháp gần giống nhất đã biết nêu ở phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế / giải pháp hữu ích”.
Tiếp theo là mô tả các dấu hiệu cấu thành sáng chế / giải pháp hữu ích. Đặc biệt phải trình bày các dấu hiệu mới của sáng chế/giải pháp hữu ích so với giải pháp kỹ thuật gần giống nhất nêu ở phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế / giải pháp hữu ích”.
Các loại dấu hiệu có thể được sử dụng để mô tả phụ thuộc vào dạng sáng chế/giải pháp hữu ích:

Các dấu hiệu để mô tả sáng chế / giải pháp hữu ích dạng cơ cấu có thể là:

(i) chi tiết, cụm chi tiết và chức năng của chúng;

(ii) hình dạng của chi tiết,cụm chi tiết;

(iii) vật liệu làm chi tiết, cụm chi tiết;

(iv) kích thước của chi tiết, cụm chi tiết;

(v) tương quan vị trí giữa các chi tiết, cụm chi tiết;

(vi) cách liên kết các chi tiết, cụm chi tiết.

Các dấu hiệu để mô tả sáng chế / giải pháp hữu ích dạng chất rất khác nhau phụ thuộc vào cách thu được chất đó. Nhưng nói chung,các dấu hiệu của chất có thể là:

(i) các hợp phần tạo nên chất;

(ii) tỷ lệ các hợp phần;

(iii) công thức cấu trúc phân tử;

(iv) đặc tính hoá lý, v.v..

Các dấu hiệu để mô tả sáng chế / giải pháp hữu ích dạng phương pháp có thể là:

(i) các công đoạn;

(ii) trình tự thực hiện các công đoạn;

(iii) các điều kiện kỹ thuật (nhiệt độ, áp suất, thời gian, chất xúc tác,v.v.) để thực hiện các công đoạn

(iv) phương tiện / thiết bị để thực hiện các công đoạn…

5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ

Nếu trong Bản mô tả có hình vẽ nhằm làm rõ bản chất sáng chế/giải pháp hữu ích thì phải có danh mục các hình vẽ và giải thích vắn tắt từng hình vẽ.

Mô tả chi tiết sáng chế/giải pháp hữu ích
Tuỳ thuộc vào dạng sáng chế / giải pháp hữu ích:

+ Đối với cơ cấu: trước hết phải mô tả theo kết cấu (cơ cấu ở trạng thái tĩnh) có dựa vào các số chỉ dẫn có trên các hình vẽ,tức là phải trình bày tỷ mỷ các đặc điểm kết cấu. Sau đó,phải mô tả sự hoạt động của cơ cấu đó,tức là trình tự làm việc của nó,hoặc sự tương tác của các chi tiết,cụm chi tiết cấu thành nó.

+ Đối với phương pháp: Trước hết phải mô tả trình tự thực hiện các công đoạn (nguyên công/bước),điều kiện cụ thể để thực hiện công đoạn (nếu có).

+ Đối với chất: Tuỳ thuộc vào loại chất,phải mô tả các dấu hiệu đặc trưng của nó như công thức hoá học,các thành phần,v.v…Và mô tả tỷ mỷ từng đặc điểm của chúng sao cho có thể hiểu rõ và nhận biết được chúng.

+ Đối với vật liệu sinh học: Nếu vật liệu sinh học không thể mô tả được thì cần chỉ ra các dữ liệu về việc lưu giữ và nguồn gốc của nó,dữ liệu về thành phần định tính và định lượng của môi trường tạo ra nó,hoặc danh mục trình tự,v.v…

+ Đối với dạng sử dụng: Mô tả chi tiết cách sử dụng đối tượng đó sao cho bất kỳ người nào quan tâm đều có thể sử dụng được với kết quả như người nộp đơn dự định.

6. Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích

Trong phần này cần chỉ ra một hoặc một vài ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích để chứng minh khả năng áp dụng của sáng chế/giải pháp hữu ích.

Hiệu quả đạt được
Trong phần này nên đưa ra các hiệu quả kỹ thuật-kinh tế của sáng chế/giải pháp hữu ích để chứng minh ưu điểm của nó so với giải pháp kỹ thuật đã biết.

Hình vẽ phải được thể hiện theo các quy định về vẽ kỹ thuật.

7. Yêu cầu bảo hộ:

+ Chức năng của Yêu cầu bảo hộ là dùng để xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích.

+ Yêu cầu bảo hộ phải:

(i) phù hợp với Bản mô tả và Hình vẽ;

(ii) chứa các dấu hiệu cơ bản của sáng chế/giải pháp hữu ích đủ để đạt được mục đích hoặc giải quyết nhiệm vụ đặt ra;

(iii) không chứa các chỉ dẫn liên quan đến Bản mô tả và Hình vẽ;

(iv) không được chứa hình vẽ;

(v) mỗi điểm độc lập của Yêu cầu bảo hộ chỉ được đề cập tới một đối tượng yêu cầu bảo hộ.

+ Cấu trúc của Yêu cầu bảo hộ
Yêu cầu bảo hộ có thể có một hay nhiều điểm độc lập (tương ứng với số lượng sáng chế/giải pháp hữu ích trong Đơn),mỗi điểm độc lập có thể có các điểm phụ thuộc.
Mỗi điểm độc lập của Yêu cầu bảo hộ chứa đầy đủ các dấu hiệu cơ bản cần và đủ để xác định phạm vi bảo hộ của một sáng chế/giải pháp hữu ích.
Điểm phụ thuộc viện dẫn đến điểm độc lập mà nó phụ thuộc vào,tức là chứa tất cả các dấu hiệu của điểm đó và còn chứa thêm các dấu hiệu bổ sung nhằm cụ thể hoá hoặc phát triển các dấu hiệu nêu trong điểm độc lập.

+ Cách lập Yêu cầu bảo hộ:
Mỗi điểm độc lập trong yêu cầu bảo hộ cần phải được viết thành một câu và nên (nhưng không bắt buộc) gồm hai phần:
phần thứ nhất,gọi là phần giới hạn,gồm tên đối tượng và các dấu hiệu cần để xác định sáng chế/giải pháp hữu ích và trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết nêu ở phần tình trạng kỹ thuật;
phần thứ hai,gọi là phần khác biệt,bắt đầu bằng các từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” hoặc các từ tương đương khác và chỉ ra các dấu hiệu khác biệt của sáng chế/giải pháp hữu ích mà các dấu hiệu này khi kết hợp với các dấu hiệu đã biết ở phần giới hạn tạo nên sáng chế/giải pháp hữu ích.

– Bản tóm tắt là phần trình bày ngắn gọn (không quá 150 từ) về bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích đã được bộc lộ trong Bản mô tả,Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ nhằm cung cấp các thông tin tóm tắt về sáng chế/giải pháp hữu ích. Bản tóm tắt có thể được minh hoạ bằng hình vẽ đặc trưng

GỬI YÊU CẦU TƯ VẤN

Exit mobile version