Chào luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự, tôi là Kiều Nguyệt Nga, hiện đang sinh sống tại Nam Định, tôi có sống chung với người đàn ông đã hơn 5 năm mà chúng tôi không đăng ký kết hôn, nay chúng tôi không thể sống chung với nhau được nữa. Xin hỏi luật sư làm thế nào để tôi có thể nuôi con, vì hiện tại gia đình nhà anh ấy cũng đang muốn được nuôi cháu. Cảm ơn luật sư và mong sớm nhận được tư vấn từ luật sư.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Như vậy, kể cả không đăng ký kết hôn thì cả 2 vợ chồng bạn đều phải có nghĩa vụ đối với cháu, và cháu cũng vẫn sẽ được hưởng đủ quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ của mình, trong đó có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Theo đó, 2 vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về người nuôi con, nghĩa vụ và quyền hạn của các bên đối với con. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết cho bạn. Việc ai được quyền nuôi còn căn cứ vào nhiều yếu tố như điều kiện vật chất, tinh thần, nếu con dưới 36 tháng tuổi thì bạn sẽ được nuôi, trừ khi bạn không đủ điều kiện nuôi cháu; hoặc nếu cháu trên 7 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của cháu muốn ở với ai, và người còn lại phải có trách nhiệm trợ cấp hoặc các nghĩa vụ khác của cha mẹ đối với con.