Ly hôn thuận tình là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thống nhất được các vấn đề chính như quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con và cấp dưỡng nuôi con, tự thỏa thuận về tài sản chung và riêng của hai vợ chồng và không phát sinh tranh chấp.
Nội dung bài viết
1. Hồ sơ ly hôn thuận tình.
• Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
• Giấy chứng nhận kết hôn bản chính.
• Sao y chứng thực sổ hộ khẩu gia đình.
• Sao y chứng thực giấy khai sinh của con (nếu có)
• Sao y chứng thực chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của hai bên vợ, chồng
• Văn bản chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (nếu có)
2. Các bước giải quyết một vụ việc ly hôn đồng thuận
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền;
Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án kiểm tra đơn và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập các bên để tiến hành hoà giải, nếu trong quá trình hoà giải các bên vẫn bày tỏ ý kiến và mong muốn kiên quyết ly hôn, thì Toà án sẽ công nhận hoà giải không thành
Bước 5: Toà án xem xét ra quyết định công nhận ly hôn
– Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Nếu Toà án hoà giải không thành thì Toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải không thành.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó, thì Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà.
– Quyết định công nhận thuận tình ly hôn sẽ không được kháng cáo, kháng nghị và có hiểu lực kể từ ngày có quyết định.
3. Một số vấn đề cần lưu ý để một vụ việc ly hôn được coi là thuận tình ly hôn.
Ly hôn là việc mà không ai mong muốn, nhưng li hôn không có tranh chấp cũng rất đang quan tâm. Vì hôn nhân đã chấm dứt có thể nhưng hai vợ chồng vẫn có thể chung nhưng “vấn đề” cần giải quyết cùng nhau như con cái hoặc tài sản mà chưa thể chia tách rõ rang tại thời điểm li hôn.
Vụ việc ly hôn thuận tình, do hai bên tình nguyện và hai bên đã thoả thuận tốt về vấn đề tài sản, chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con,… Nhưng vì lợi ích của hai vợ chồng và con cái, Toà án vẫn sẽ xem xét thoả thuận của hai bên để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên không bị xâm phạm.
Có 3 vấn đề lớn mà chúng ta cần phải quan tâm nhất hiện nay để một vụ việc thuận tình ly hôn. Khác với vụ án li hôn đơn phương (vụ án dân sự) thì thuận tình li hôn tại Tòa án lại xem xét như một vụ việc.
3.1. Quan hệ hôn nhân hai vợ chồng.
Đây là vấn đề quan trọng nhất của vụ việc li hôn nhưng do hai vợ chồng đều đồng ý li hôn nên thực tế lại không phát sinh nhiều tranh chấp;
3.2. Quyền nuôi con:
Rất nhiều người hiểu thành “chia con” vì cho rằng nêu không được nuôi con là mình sẽ mất con, không được gặp con…nên nhiều khi quyết tâm dành “quyền nuôi con” bằng mọi giá. Việc này dẫn đến quan hệ sau li hôn càng trở nên phức tạp và thậm chí xung đột gay gắt. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2015 Điều 81.
Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn “ …2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con..”
Luật quy định khá chung chung là “…căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con..”, nhưng hơn hết chính vợ chồng hiểu rõ nhất, do vậy, nên trao đổi, thỏa thuận với nhau để việc nuôi và chăm sóc con được thuận lợi.Con trẻ đã “thiệt thòi” trong việc li hôn nên việc hành xử văn minh để các con hiểu rằng bố mẹ dù “chia tay” nhưng vẫn yêu thương chăm sóc con.
Việc xác định người nuôi con khi ly hôn sẽ được xác định từ vấn đề kinh tế, môi trường sống, tuổi tác của con, giới tính và tâm sinh lý,… để đảm bảo con được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt nhất có thể. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì ngoài trường hợp con dưới 36 tháng nếu không có lý do đặc biệt khác sẽ được trao quyền cho người mẹ nuôi vì thời điểm này con còn quá bé cần sự chăm sóc trực tiếp từ người mẹ, các bố mẹ có thể cần nhắc những yếu tố như sau:
– Theo giới tính để phù hợp với việc phát triển tâm sinh lý của con sau này thì con gái sẽ theo mẹ và con trai sẽ theo bố;
– Theo độ tuổi, nếu con từ tầm tuổi 3-7 tuổi thì con nhỏ sẽ theo mẹ, con lớn sẽ theo bố
Luật pháp cũng quy định nếu con từ 7 tuổi trở lên thì khi xem xét cũng cần tham khảo ý kiến của chính những người con đó vì với tuổi này các bé đã có sự hiểu biết nhất định. Tuy nhiên, các bố mẹ cần lưu tâm “nguyện vọng” này là để bố mẹ, Tòa án sẽ xem xét chứ không phải là “bắt buộc tuân theo”. Một gợi ý nhỏ là để tránh các con dù trên 7 tuổi nhưng vẫn còn quá nhỏ khi tham gia phiên họp tại Tòa án, bố mẹ có thể cân nhắc lấy ý kiến của con bằng văn bản để gửi Tòa án xem xét.
Việc cấp dưỡng nuôi con nên có những thỏa thuận rõ ràng vì ngoài những chi phí cơ bản về nuôi con thì trù bị tài chính cho con về tiền học, nơi học cũng là vấn đề cần quan tâm.
3.3. Thỏa thuận về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng
Tài sản riêng của vợ, chồng được coi là tài sản riêng gồm quyền tài sản với đối tượng sở hữu trí tuệ; Tài sản có trước khi kết hôn; Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…Tài sản riêng là tài sản không phải chia khi ly hôn, chỉ cần một trong hai bên chứng minh được đó là tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ, chồng tạo ra gồm thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, quyền sử dụng đất sau khi đã kết hôn. Đều được coi là tài sản chung. Đây sẽ là khối tài sản được chia khi hai vợ chồng ly hôn.
Vụ việc thuận tình li hôn, nên tài sản đã được hai vợ chồng thống nhất nhưng lưu ý rằng các thỏa thuận này sẽ không được đưa vào vụ việc thuận tình li hôn. Do vậy, các Thỏa thuận về phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân (trước li hôn) cần được thực hiện trước đó sẽ giảm đáng kể thời gian cũng như án phí nếu đưa vào trong vụ án Đơn phương li hôn. Tại Việt Nam, các tài sản có giá trị như bất động sản, tài sản ghi danh như ô tô, xe máy, phần vốn góp cố phiếu doanh nghiệp …đều cần sự đồng thuận của cả hai vợ chồng khi định đoạt. Theo đó, nếu có Thỏa thuận về phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì khi định đoạt tài sản chung sẽ tuân thủ Thỏa thuận này và không cần chữ ký xác nhận của bên còn lại.
Thực tế, việc chia tài sản chung hay xác nhận tài sản riêng sẽ phức tạp hơn rất nhiều khi tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Có thể kể đến như những khối bất động sản chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được mua chung với những sở hữu khác; phần vốn góp hay cổ phần trong doanh nghiệp; tài khoản chứng khoán; ô tô xe máy chưa được sang tên từ chủ cũ…những khoản nghĩa vụ không rõ ràng. Trường hợp này, việc tham vấn từ luật sư hoặc người có chuyên môn là điều cần thiết.
Tài sản chung của hai vợ chồng được coi là sở hữu chung hợp nhất. Nghĩa là nếu không có những lý do, nguyên nhân khác, tài sản chung này sẽ được phân chia cho hai vợ chồng bằng nhau. Giả định người vợ không đi làm nhưng ở nhà chăm sóc con và gia đình vẫn được xem xét chia tài sản chung. Trong một số trường hợp, Tòa án sẽ xem xét tới hoàn cảnh của gia đình, tình trạng sức khoẻ, khả năng lao động, công sức đóng góp, lỗi của các bên trong việc vi phạm quyền vào nghĩa vụ vợ chồng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn…dựa theo yêu cầu của các bên Toà án sẽ xem xét chúng là những căn cứ để ra quyết định chia tài sản, điều này sẽ khiến cho việc nhận được tài sản giữa các bên có sự chênh lệch chứ không còn là 50% như thông thường. Như vậy, mặc dù là vụ việc Thuận tình li hôn thì hiểu rõ vấn đề quy định cũng như phương thức phân chia tài sản chung sẽ đảm bảo quyền lợi cho cả vợ và chồng.
Li hôn là điều không mong muốn của hôn nhân, nhưng li hôn trong văn minh và sự hiểu biết là điều tốt cho cả hai vợ chồng và chăm sóc con sau này.
Tin cùng chuyên mục:
Thuận tình ly hôn và những điều cần biết
Tọa đàm ‘Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật’
Thủ tục cần có để xoá án tích
Vấn nạn chiếm dụng bình ga của doanh nghiệp khác để kinh doanh, sản xuất