Trào lưu sống thử đang ngày một nở rộ nhưng khi đường ai nấy đi, những thiệt thòi về mặt pháp lý không phải ai cũng biết.
Lâu nay, sống thử đã trở thành trào lưu của giới trẻ. Hình thức này xuất phát từ những văn hóa phương Tây, và nó cũng đem lại nhiều điều tích cực. Việc sống thử đem lại những trải nghiệm của các cặp đôi khi về chung sống với nhau, ngoài việc nhằm giảm các khoản tiền khác thì còn là chuyện sống xem có hợp nhau hay không, thói hư tật xấu của nhau như nào,… Khi cơm lành canh ngọt thì chẳng có chuyện gì để nói. Nhưng đến lúc xảy ra bất đồng, không ở được với nhau cũng là lúc đường ai nấy đi, những thiệt thòi về mặt pháp lý kéo theo không phải ai cũng biết. Dưới đây là 4 thiệt thòi về pháp lý khi không sống thử với nhau nữa.
Nội dung bài viết
1. Không được bảo vệ khi có “người thứ ba”
Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy với nhau. Nếu vi phạm nguyên tắc chung thủy trong hôn nhân, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, do sống thử là việc hai bên chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không được pháp luật công nhận. Do đó, trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng trái pháp luật sẽ không tồn tại những quyền và nghĩa vụ pháp lý như trên.
Điều này có tác động rất tiêu cực đến cuộc sống gia đình. Bởi vì nếu hai người sống chung với nhau mà không có quyền và nghĩa vụ pháp lý ràng buộc thì bên còn lại sẵn sàng vi phạm. Họ có thể “ngoại tình” mà người chung sống không ngăn cản được do không được đảm bảo về mặt pháp lý.
2. Khai sinh của con không có tên cha
Thiệt thòi trước hết dành cho chính những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ sống thử. Một trong những điều kiện cần thiết để làm giấy khai sinh cho trẻ chính là giấy đăng ký kết hôn. Những cặp đôi sống thử khi không có hôn thú nếu muốn được cấp giấy khai sinh cho con sẽ buộc phải áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015: “Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.
Do đó, trong trường hợp cặp đôi sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn, đứa trẻ sẽ mang họ mẹ. Nếu trong trường hợp người cha có chứng cứ chứng minh được quan hệ cha con và có nguyện vọng được nhận con sẽ được giải quyết.
Mặc dù vậy, dù người cha có nhận con hay không thì khi bố mẹ chia tay, đứa trẻ vẫn thiệt thòi nhất.
3. Lằng nhằng trong quan hệ tài sản
Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Với trường hợp sống thử, khi đường ai nấy đi, tài sản chung hình thành trong thời kỳ sống chung rất khó phân chia. Bởi không có giấy đăng ký kết hôn nên mọi nghĩa vụ về tài sản phát sinh trong thời kỳ này sẽ trở nên khá rắc rối.
Có những tài sản đăng ký sở hữu chỉ mang tên 1 người. Vì vậy, nếu người còn lại muốn được phân chia những tài sản đó phải có căn cứ chứng minh công sức mình cùng tạo dựng, hình thành nên tài sản. Việc chứng minh này dường như rất khó khăn trên thực tế.
4. Gánh nặng trong vấn đề cấp dưỡng
Điều 110 Luật Hôn nhân Gia đình quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không sống chung với con. Tuy nhiên, trong trường hợp sống thử, quy định này rất khó được áp dụng. Bởi trên giấy khai sinh của con chỉ có tên mẹ, do đó nếu như chia tay, người mẹ sẽ không có căn cứ pháp lý để yêu cầu người bố phải cấp dưỡng cho con, trừ khi dùng đến biện pháp xét nghiệm của y học để chứng minh quan hệ cha con.
Việc sống thử từ trước đến nay vốn dĩ pháp luật không cấm nhưng cũng không cổ súy. Thế nhưng, trên thực tế, những tranh chấp phát sinh xảy ra từ việc sống thử rất nhiều dẫn đến những hậu quả pháp lý vô cùng phức tạp. Trước khi tính đến chuyện sống thử, những cặp đôi cần phải suy nghĩ thật kỹ, tính đến những thiệt thòi kể trên để có được quyết định đúng đắn đối với cuộc sống bản thân mình.
Tin cùng chuyên mục:
Thuận tình ly hôn và những điều cần biết
Tọa đàm ‘Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật’
Thủ tục cần có để xoá án tích
Vấn nạn chiếm dụng bình ga của doanh nghiệp khác để kinh doanh, sản xuất